A- A A+

Cô giáo dạy Văn trong mắt học sinh Toán

"Đối với dân toán chúng tôi - những người đã quá thân thuộc với các bài tập tính toán, đo lường, chứng minh những con số, định lý hình học khô khan thì môn Văn dạt dào cảm xúc không hề dễ dàng chút nào. Nhưng ngay ở năm học đầu tiên của THCS, người đã giúp chúng tôi thay đổi tất cả những ý nghĩ “chán”, “buồn ngủ”...về môn học này chính là cô Đỗ Thúy Hằng – cô giáo dạy Văn của lớp chúng tôi.

Cô Đỗ Thuý Hằng cùng học sinh lớp 6A4

Tôi nhớ dáng người nhỏ bé, nhanh nhẹn, hoạt bát với mái tóc ngắn gọn gàng và nụ cười tươi tắn, rạng rỡ của cô hôm ấy. Ánh mắt cô hiền từ, trìu mến, chứa chan tình yêu thương dành cho học trò. Có lẽ tôi nhớ nhất là giọng đọc của cô, mới truyền cảm làm sao.Những kí ức về buổi dạy đầu tiên của cô Hằng, giáo viên trường THCS Ngô Sĩ Liên vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi.

Dù đã gắn bó cùng cô suốt hai năm học thì tôi vẫn rất ấn tượng như lần đầu. Cô khi thì dõng dạc, đanh thép với những bài thơ yêu nước hào hùng, khi thì nhẹ nhàng, xúc động, lên bổng xuống trầm với những câu văn biểu cảm, hay đôi lúc lại vui tươi với những lời lẽ hóm hỉnh. Trong lúc cô đọc, cả 45 bạn không ai làm việc riêng trong giờ mà đều chỉ chăm chú dõi theo, mải mê đắm mình vào từng câu chữ đến nỗi quên cả tiếng trống báo hiệu giờ ăn trưa. Thật là hiếm hoi với cái lũ học trò lớp Toán khô khan, hiếu động, nghịch ngợm mà lại tập trung đến vậy.

Đối với chúng tôi, cô Hằng luôn dành trọn niềm say mê và nhiệt huyết bất tận cho nghề giáo và các học sinh của mình. Cô đã khuyến khích chúng tôi hãy nỗ lực, sôi nổi, nhiệt tình trong các giờ học cho “đúng chất với lớp Toán”, đã sáng tạo ra những dự án học tập bên cạnh bài về nhà như: Tủ sách “mình cũ người mới”, thuyết trình báo cáo đọc sách, vẽ tranh, sưu tầm ca dao...

Nhớ lại có những lúc lười biếng, chúng tôi cũng than thở với nhau, nhưng đến giờ nhìn lại, chính nhờ sự nghiêm khắc, tận tụy của cô, chúng tôi thấy mình đã trưởng thành lên rất nhiều, không còn là những cô, cậu bé lớp 6 ẩu đoảng, làm gì cũng nhanh nhanh chóng chóng mà đã biết suy nghĩ thấu đáo trước sau, hiểu chuyện, tỉ mỉ, cẩn thận hơn trong mọi việc. Thật biết ơn cô đến nhường nào !

Chúng tôi yêu cách cô dịu dàng khuyên nhủ chúng tôi phải đoàn kết với nhau thì lớp mới vững mạnh. Tôi yêu cách cô truyền cho chúng tôi biết bao những điều hay lẽ phải, những kinh nghiệm bổ ích, những mẩu chuyện nhỏ tâm tình về cách làm người.

Tôi yêu cả những ngày cô cùng chúng tôi viết những dòng nhật kí biết ơn cha mẹ, cuộc sống, những điều làm ta thấy hạnh phúc trong cuốn sổ của riêng mình. Đặc biệt, trong lớp tôi có bạn T mệnh danh là “thiên tài toán học”, ai cũng ngưỡng mộ vì khả năng giải toán nhanh như chớp, nhưng khả năng ngôn ngữ của bạn hạn chế, thậm chí có lần bạn mất tận vài phút để truyền đạt một ý tưởng đơn giản.

Trong các tiết học, cô Hằng vẫn chăm chú, nhẫn nại lắng nghe và giải đáp từng khúc mắc của bạn. Thấy một số bạn giễu cợt bạn, cô đã nghiêm khắc nhắc nhở chúng tôi phải biết tôn trọng sự khác biệt của bạn và giúp bạn để cùng nhau tiến bộ. Nhờ tất cả những bài học cô đã dạy, tình yêu đối với môn Văn mà cô đã thổi vào tâm hồn chúng tôi, năm ngoái, tập thể lớp 6A4 đã vinh dự vươn lên vị trí thứ 2 toàn khối về điểm trung bình thi học kì Văn. Thật hạnh phúc và vui sướng biết bao!

Dù đã làm cô Hằng tự hào và bất ngờ vô số lần với những thành tích mà cả lớp đạt được nhưng chúng tôi vẫn không tránh khỏi việc làm cô buồn. Đó là một buổi chiều cuối năm, cô đang vui vẻ tuyên dương và phát phần thưởng cho chúng tôi, những bạn đạt điểm thi học kì trên 9. Cô tặng mỗi bạn một cuốn sách khác nhau kèm theo lời chúc: “Chúc con đọc sách vui vẻ nhé !”.

Lúc đó, vì không hài lòng chỉ vì nhận được một cuốn truyện mỏng hơn, bạn M đã tức giận nói to lên: “Tại sao con được điểm cao hơn mấy bạn kia mà quyển của con lại mỏng hơn ạ?”. Cô nhẹ nhàng giải thích : “À, cô chọn nội dung các cuốn sách phù hợp với tính cách từng con. Còn nếu con cũng thích quyển sách đó thì hôm sau cô sẽ tặng con”. Không dừng lại ở đó, khi về chỗ, bạn M đập mạnh quyển sách xuống mặt bàn, tiếng “bốp” vang lên trước ánh mắt sững sờ của cô và cả lớp.

Một giây, hai giây, rồi ba giây im lặng... Chúng tôi thương cô biết bao, hối hận và xấu hổ thay bạn M. Cô nghẹn lời: “Những món quà này đều là do cô đã lựa chọn rất cẩn thận để tặng cho các con, tuy nhỏ nhưng đều vô cùng ý nghĩa, để ghi nhận sự nỗ lực của các con trong học tập. Cô mong rằng các con hiểu điều đó để trân trọng món quà cũng là trân trọng sự nỗ lực của bản thân mình”. Đúng lúc ấy, tiếng trống trường vang lên kết thúc giờ Văn, cô vội vã bước ra khỏi lớp.

Khác với bầu không khí náo nhiệt ồn ào mọi ngày, giờ ra chơi hôm đó, lớp tôi chìm trong im lặng. Đến tiết Văn ngày hôm sau, chúng tôi nín thở khi cô bước vào lớp, nhưng dường như không có chuyện gì xảy ra trên gương mặt cô. Đôi mắt cô vẫn trìu mến nhìn chúng tôi, giọng cô vẫn ấm áp tràn đầy tình yêu thương, cô vẫn tận tụy chỉ bảo cho chúng tôi từng li, từng tí.

Cô thường nói: “Văn học là nhân học”, học văn là học làm người. Chúng tôi biết ơn cô vì bên cạnh những bài giảng tràn đầy thú vị, cô còn lồng ghép vào đó những bài học giáo dục giúp chúng tôi trưởng thành".

Bài viết của học sinh Sao Khuê 

Học sinh lớp 7A4 trường THCS Ngô Sĩ Liên

(Theo tuoitrethudo.com.vn)